Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

RƯỢU ÁP SANH BẦU GỐC VÀ RƯỢU NẾP SƠN ĐÔNG

Người Việt Nam có nhiều loại rượu. Có rượu phải chưng cất công phu, nhưng cũng có loại chỉ ủ men, có rượu pha chế từ trái cây, khoai, sắn, từ gạo nếp, gạo tẻ, lại có cả rượu cần độc đáo. Cái "văn hóa rượu" được thể hiện trong nghệ thuật nấu rượu.

Ở đâu cũng vậy khi vui lúc buồn, khi cần tìm hứng, lúc muốn tiêu sầu người ta cần tìm đến rượu. Không chỉ đơn thuần có vậy mà rượu đã góp vào nền văn hóa một sắc hương riêng biệt.

Ở Vĩnh Long rượu cũng có nét riêng của nó, ở đâu cũng sản xuất được rượu nhưng chỉ có vài nơi khẳng định được tên tuổi, có vị trí trong giới thưởng ngoạn về rượu đó là: rượu áp sanh Bàu Gốc và rượu nếp Sơn Đông.

Bàu Gốc là một địa danh thuộc ấp Phú Long B - xã Phú Quới, huyện Long Hồ. Năm 1926, ông Huỳnh Văn Cao, một lão nông tri điền nhưng giỏi chữ Tàu thường hay hốt thúôc để trị bệnh cho hàng xóm, trong làng ai bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy … thường được ông cho uống toa thuốc Bắc này (gồm quế khâu, cam thảo, ý dĩ,cùng các dược thảo khác… ).

Trong nhà lúc đó thường nấu rượu nếp để bán, một "phát kiến" nảy sinh trong ông, ông đem bài thuốc bắc áp dụng trong việc nấu rượu.

Việc nấu rượu ở đây cũng giống như bao nơi khác, chọn loại nếp ngon (nếu nếp lức càng tốt) nấu chín, còn gọi là nấu cơm da, trải đều ra nia (có nơi sử dụng đệm) để nguội, sau đó trộn với men, rồi ủ vào hủ để khoảng 4 ngày, sau đó sang qua nồi để nấu. Nồi được nối 2 cái ống để bốc hơi lên, thông nhau ở hai thùng nước, để khi hơi nóng của men rượu bốc lên gặp lạnh tạo thành hạt, nhỏ xuống sau đó được nối vào ống nhựa để giọt rượu nhỏ xuống chai.

Theo các cụ già sành điệu thì rượu “lờ đờ nước hến” mới là rượu ngon, phải sực mùi nếp thơm, tránh được mùi men sống và nấu khê, dĩ nhiên không thể chấp nhận vị chua; muốn thưởng thức rượu ngon thì phải uống khi đói, không uống nhiều, uống chung nhỏ, uống nhấp chút, uống để thưởng thức uống để tạo hứng làm nồng câu chuyện.

Người sành điệu chỉ cần đưa chai qua mũi là biết được độ rượu, còn nhìn tăm rượu thì đoán độ nặng nhẹ còn chính xác hơn,người xưa thường cho rượu vào bình lớn hạ thổ “tam niên bách nhật” để âm khí của đất hút đi cái nóng, cái dương tính của rượu.

Nghệ thuật nấu rượu còn là một nghề bí truyền của riêng từng nhà, từng vùng. Muốn nấu rượu ngon phải chế được men như ý, chọn nếp, gạo, biết cách ủ, lựa thời tiết mà chế cất, nhưng cái quan trọng là giữ được cái thơm tự nhiên của mùi vị. Rượu áp - sanh đặc biệt chỉ nấu bằng nếp cùng bài thuốc độc đáo. Khi dùng rượu áp - sanh còn có thể pha thêm với nước dừa tươi, nước mưa nước khoáng.

Còn rượu Sơn đông là rượu nếp nguyên chất không cần phải pha thêm. Rượu Sơn Đông có tiếng từ lâu đời, được người làng Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ chưng cất từ nếp, gạo. So với các loại rượu gao, rượu nếp các nơi khác rượu Sơn Đông có nồng độ cao hơn, trung bình từ 450 – 500. Tuy rượu khá cao độ như thế nhưng rượu có mùi thơm rất đặc trưng, uống vào nghe ngòn ngọt và tê tê đầu lưỡi. Rượu Sơn Đông làm cho người ta mau say nhưng chóng tĩnh táo và không nhức đầu.
Nếu có dịp đến Vĩnh Long xin quí khách thưởng thức hai loại rượu nổi tiếng của quê hương.
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thanks for you! ^^