Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Gác kèo ong

Có lẽ dù chưa được tận mắt chứng kiến, nhưng không ít lần bạn được nghe nói đến nghề gác kèo ong ở rừng U Minh. Đó là một nghề hết sức đặc biệt, thịnh hành cách nay hàng thế kỷ và hiện đang dần chìm vào lãng quên…

Ong mật tự nhiên thích làm tổ tên những nhánh cây đâm xiên. Chỗ chúng chọn cũng đòi hỏi phải hội đủ những yếu tố phù hợp về địa thế, địa hình và địa bàn hoạt động thuận tiện cho chúng chứ không phải bạ đâu làm đấy.
Ngoài yếu tố phải có một nhánh cây chắc chắn có độ nghiêng đạt yêu cầu, trước hết nơi làm tổ thường là những vạt đất cao ráo, nhưng phải gần mép nước (thường là mé lung hoặc bờ kênh) không có cây cối um tùm làm cản trở đường bay của đàn và xung quanh khu vực phải có nhiều cây tràm xanh tốt để chúng lấy mật.
Lợi dụng sự “khó tính” của ong mật, người gác kèo ong (mà dân gian còn gọi là người “khạo rừng”) tìm nơi thích hợp trong rừng tràm làm những cây xiên cho chúng đến làm tổ. Chính vì nhánh cây gác xiên xiên tương tựa chiếc kèo trên mái nhà nên nó được gọi là cây “kèo” (trong nghề gọi là “tấm kèo”) và nghề tạo nơi cho ong làm tổ để lấy mật được gọi là nghề “gác kèo ong”.

Chỉ có hai loại cây dùng để làm ra những tấm kèo là tràm và nhum, nhưng thường thì người ta thích dùng cây nhum hơn vì đây là thứ gỗ tốt, chắc, để ngoài mưa nắng lâu mục hơn tràm. Sau khi tìm được nơi vừa ý và gác kèo xong, dân khạo rừng còn phải tiến hành truy lùng và triệt phá hết tổ của các loại ong dữ như ong vò vẽ, ong lỗ xung quanh. Bởi vì những loại ong này chuyên tấn công và ăn thịt ong mật. Nếu có chúng thì ong mật sẽ không bao giờ đến làm tổ.

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, người khạo rừng chỉ việc xoá hết dấu vết để tránh sự dòm ngó của người khác, không phải vì sợ bị trộm mà là sợ bị làm động thì ong sẽ không đến “ốp” (làm tổ). Đối với những người khạo rừng dày dạn kinh nghiệm thì họ đạt đến trình độ chỉ cần gác xong kèo là có thể đoán trước được khi nào ong đến ốp và thời gian nào thì có thể quay lại kèo để “ăn ong” (thu hoạch).


Xưa kia, vào thời kỳ Pháp thuộc, rừng U Minh còn mênh mông, mỗi người khạo rừng có thể gác một mùa chừng 100-300 tấm kèo và thu hoạch khoảng 2.000-3.000 lít mật. Đó là chưa kễ đến nguồn lợi thu được từ sáp ong.

Mật ong ở rừng U Minh có mùi thơm bông tràm rất đặc trưng do chúng lấy mật chủ yếu từ hoa của loài cây này. Ở một số vạt rừng ngập mặn ven biển thuộc vùng Miệt Thứcủa Kiên Giang, người ta từng biết đến một thứ mật ong không thể nào sử dụng được do có vị rất đắng. Nguyên nhân là ong đã hút mật từ hoa của cây giá, một loài cây sống phổ biến ở loại hình rừng này và có chất độc đối với con người.

Đã có rất nhiều câu chuyện xung quanh loài ong mật ở rừng U Minh, nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện người bị ong chích (đốt), trong đó có không ít nhà quay phim, nhà nhiếp ảnh, nhà báo và một số du khách đã chụp ảnh tổ ong mà không hiểu đặc tính của chúng. Những người bị ong mật chích thường thì về bị sưng đau, sốt đến bỏ cơm.
Thật ra muốn chụp ảnh, quay phim tổ ong không khó, chỉ cần bạn tắt hết tất cả chế độ điều khiển tự động của máy, nhất là chế độ tự động lấy nét là có thể chụp, ngắm thỏa thích, vì tia sóng từ máy phát ra để định vị khoảng cách tự động là một thứ kích thích loài ong rất mạnh.
Nếu muốn chắc ăn hơn, bạn có thể từ từ đến ngồi ngay dưới tổ ong để chụp mà chẳng việc gì xãy ra. Đó là do khi con ong rời khỏi tổ, nó sẽ bay lên và bay ra xa chứ không bao giờ bay xuống ngay bên dưới tổ của chúng. Đây có thể là một số kinh nghiệm quý giúp bạn tránh “tai nạn” đáng tiếc khi đi du lịch U Minh Thượng mà muốn ghi lại hình ảnh của tổ ong.

Ngày nay rừng U Minh đã bị thu hẹp, hơn nữa, công tác bảo vệ rừng ngày càng nghiêm ngặt, nghề gác kèo ong trong rừng tự nhiên đã bị cấm tuyệt đối, cho nên bạn sẽ không còn được chứng kiến người khạo rừng gác kèo ong như thế nào. Tuy nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể đến những khu rừng tràm trồng mới của các hộ dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang xem cách người dân ở đây “ăn ong” như thế nào.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thanks for you! ^^