Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Nem Lai Vung

“Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”


Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nhắc đến Lai Vung, người ta lại nghĩ ngay đến nem chua. Đây là một trong những đặc sản của mảnh đất Lai Vung, nổi tiếng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ra đời từ hơn 60 năm về trước, nem Lai Vung có một hương vị riêng, rất đặc trưng mà không nơi nào có được. Việc làm nem lúc đầu chỉ để phục vụ cho việc cúng kiến, đám hỏi, đám giỗ, lễ tết. Về sau người ta thấy nem ngon nên mới bắt đầu làm để bán. Hộ làm nem đầu tiên để bán là ông Giáo Thơ ở xã Tân Thành. Vì nem Lai Vung có hương vị riêng, rất ngon được nhiều người tìm mua nên nhiều hộ học cách làm nem.


nơi sản xuất nem



Lúc đầu, nem được đem bán ở chợ hoặc được chào bán trên các chuyến phà miền Tây như: phà Vàm Cống, phà Mỹ Thuận, phà Cao Lãnh, phà Cần Thơ… Dần dần việc làm nem ngày càng được mở rộng và các hộ làm nem đã tập trung lại hình thành nên làng nem Lai Vung với hàng chục lò nem lớn nhỏ như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Thúy Ngoan, Tư Minh… Hiện nay, loại nem này đã được đăng ký thương hiệu độc quyền “nem Lai Vung”.

hàng nghìn chiếc nem được sản xuất mỗi ngày


Để có những chiếc nem ngon với hương vị đặc trưng riêng biệt, đòi hỏi người làm nem phải thật kéo tay và lành nghề. Thịt làm nem phải là thịt nạc heo được lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng, sau đó cho vào cối rồi giã nhuyễn. Da heo được lạng mỏng và xắt sợi thật nhỏ. Cho hỗn hợp thịt, da heo, tiêu, ớt, đường, muối với lượng vừa phải rồi xoay nhuyễn.

Photobucket



Nem được gói bằng lá vông hay lá tầm ruột, kế đến là lớp nilông, sau cùng được bọc bên ngoài bằng lá chuối xanh, và được cột bằng dây nilông, kết xâu mười chiếc. Thời gian để nem lên men, chua lâu hay mau là do lớp lá chuối ngoài cùng dày hay mỏng. Thông thường nem sau ba ngày gói là thời điểm lên men với độ chua vừa ăn nhất.

nem lai vung



Cái cảm giác chua chua, ngọt ngọt, vừa mặn, vừa cay…đã tạo nên một hương vị đặc trưng chỉ có ở nem Lai Vung. Bởi thế, mà người làm nem Lai Vung vẫn thường nói:

“Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều
Từng lá đỏ tươi bao tròn viên thịt
Để lá ít ít thì nem lâu chua
Để thịt vừa vừa thì nem lâu chính..”


Hay

“Cối chày gõ nhịp phân hai

Giã nem mới biết ai dai sức bền
Áo người biết giử thì lành
Áo nem biết gói mới mau hơn người
Tay cô miếng lá nhẹ tơi
Vuông vuông gói nhỏ giữ thời khéo tay” .

Làng nem Lai Vung nằm dọc theo quốc lộ 80 – thị trấn Lai Vung, tuyến đường chính của các xe khách, xe du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chính điều này đã tạo nên nhiều thuận lợi cho việc buôn bán cũng như quảng bá thương hiệu với du khách thập phương.

nem lai vung có vị đặc trưng rất riêng


Nhiều người đi ngang địa phận Lai Vung- Đồng Tháp, đều tranh thủ ghé lại mua vài chục nem về làm quà cho người thân và gia đình. Hương vị đặc trưng của nem Lai Vung đã tạo nên một ấn tượng khó phai trong lòng mọi người về mảnh đất và con người nơi đây.

Diemthuy

Cảnh đẹp Đồng Tháp

Cùng thưởng thức một vài cảnh đẹp của Đồng Tháp . Ảnh được chụp bởi bạn Lưu Việt Hùng (đăng trên VnExpress.net)













Làng hoa Sa Đéc



Nói đến hoa và cây kiểng, người ta không thể không nghĩ đến địa danh Sa Đéc Hơn một trăm năm qua, Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh miền Trung, thị trường Campuchia và đang hướng đến những thị trường xuất khẩu khác.

Có dịp về thăm Đồng Tháp, bạn nhớ đến thăm làng hoa kiểng Sa Đéc- một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nằm trên địa phận xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, trước đây rộng khoảng 60 ha, với 600-3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh. Trong mấy năm gần đây, diện tích trồng hoa kiểng ở Sa Đéc ngày tăng nhanh, hiện nay đã lên đến 177 ha, sản lượng trên 10 triệu chậu các loại, bình quân mỗi năm tăng 10 ha.


Vào làng quê hiền hoà Tân Quy Đông, vào bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có cảm giác như lạc vào thế giới của màu sắc và hương thơm kỳ ảo. Thược dược; tú cầu; lan; cau bình rượu; mai chiếu thủy; tùng Nhật; vạn thọ Pháp; hoa dâm bụt vàng, đỏ, tím; ớt kiểng; mãn đình hồng; cúc kim… có mặt khắp nơi, đua nhau khoe hương, khoe sắc.

Hình ảnh Làng hoa kiểng Sa Đéc 2


Nhưng nhiều nhất về số lượng, chủng loại ở đây chính là hoa hồng. Dường như các nàng hồng kiêu sa, lộng lẫy nhất đều đã tụ hội về đây. Làng hoa hiện nay còn lưu giữ được trên 50 giống hoa hồng : hồng nhung đỏ thắm, hồng Grada tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Korokit màu gạch tôm nhạt, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt hồng, hồng Comfidence màu vàng hột gà, hồng Maccasa màu cam…


Không những vậy, làng hoa Tân Quy Đông bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi thế cây, dáng đứng đều thắm đượm nền văn hoá và triết học phương Đông. Có những loại cây rất bình dị, gần gũi với đời sống hằng ngày như khế, cau, bùm sum, si, mai… qua bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp, lạ.


Ngôi làng có 4 mùa xuân này với mô hình trồng hoa, cây kiểng tập trung từ lâu đã thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan cũng như mang lại lợi nhuận và góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống cho bà con Sa Đéc. 1 ha hoa kiểng ở đây có thể mang lại cho nguời trồng hoa thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Phát huy tiếng tăm và truyền thống vốn có, làng hoa kiểng Sa Đéc đang tiếp tục đưa thương hiệu hoa Sa Đéc vươn cao, vươn xa hơn nữa, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua khi đến với tỉnh Đồng Tháp sen hồng.


Đến với làng hoa kiểng Sa Đéc, bạn được đắm mình trong thế giới của muôn hoa với vô vàn hương thơm thanh cao, quyến rũ, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, chỉ còn lại cảm giác thanh thản yên bình.

Nguồn: Internet

Làng nghề dệt chiếu thảm lát Định An-Định Yên

Giúp em đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo…

Chiếu luôn gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam và nước ta có rất nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng, trong đó không thể quên nhắc đến chiếu Định Yên của Đồng Tháp. Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, huyện Lấp Vò còn là nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng ở 2 xã Định An-Định Yên, nhất là Định Yên - nơi mà 70% hộ dân theo nghề làm chiếu.


Dệt, đan chiếu thảm từ cây lát là nghề sản xuất thủ công có tiềm năng to lớn ở Đồng Tháp với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào là cây lát.


Người dân Định Yên hộ nào cũng có từ 1-2 khung dệt trở lên. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hằng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.


Đến Định Yên bạn sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím… Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những nguời thợ lành nghề từ già, trẻ, gái, trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân… để sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt; cùng với đôi tay khéo léo của những người thợ nhuộn màu lát, in hoa văn, vành, viền… Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp…


Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú, gồm : chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc… Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất là 2m, còn chiều ngang từ 1,4 – 1,6m; dao động tử 25.000-50.000đ/đôi.

Hiện nay, huyện Lấp Vò đã có những dự án thiết thực để hỗ trợ phát triển ngành nghề, xây dựng thương hiệu “chiếu Định Yên”. Làng nghề dệt chiếu Định Yên cũng được quy hoạch trong đề án phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng nghề nông thôn của huyện Lấp Vò giai đoạn 2005-2010.
Nguồn: Internet
Các bạn thân mến, hai chữ miền Tây có lẽ không xa lạ với các bạn, vì hiện nay miền Tây được nhắc đến ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đến miền Tây, bạn sẽ được thả hồn vào sông nước, lênh đênh trên những con thuyền nhỏ nhìn tận mắt cuộc sống của những người dân hai bên bờ sông, vào những vườn trái cây nặng trĩu quả, thưởng thức những món ăn độc đáo, hấp dẫn của miệt vườn sông nước.

Nếu có dịp, bạn hãy "làm" một chuyến du lịch về miền Tây, để tận mắt chứng kiến và cảm nhận hết về tình đất và người nơi đây!

Các bạn muốn tìm hiểu về miền Tây, du lịch miền Tây, nếu gặp khó khăn gì hãy liên hệ với mình qua địa chỉ: diemthuy0610@gmail.com. Mình sẽ là một hướng dẫn viên nhiệt tình cho các bạn. ^_^

Phát động cuộc thi sáng tác văn học về nông thôn


Sáng ngày 31/3/2009, tại chi nhánh phía Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra lễ phát động cuộc thi sáng tác văn học đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới. Cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở, Hội Nhà văn và Hội Nông dân Việt Nam đồng tổ chức.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nông thôn Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển; khắc họa hình ảnh người nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cùng sự đột phá trong công việc góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời kỳ đổi mới.

Tất cả các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước đều có thể tham gia. Tác phẩm tham dự không vượt quá 7.000 chữ với thể loại truyện, ký, không quá 20 trang đánh máy với kịch bản văn học. Các tác phẩm dự thi gửi đến địa chỉ 51-53 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, hạn chót vào ngày 30/10/2009. Tổng kết và trao giải vào tháng 12/2009.

Nguồn: dulichvn.org.vn

Gác kèo ong

Có lẽ dù chưa được tận mắt chứng kiến, nhưng không ít lần bạn được nghe nói đến nghề gác kèo ong ở rừng U Minh. Đó là một nghề hết sức đặc biệt, thịnh hành cách nay hàng thế kỷ và hiện đang dần chìm vào lãng quên…

Ong mật tự nhiên thích làm tổ tên những nhánh cây đâm xiên. Chỗ chúng chọn cũng đòi hỏi phải hội đủ những yếu tố phù hợp về địa thế, địa hình và địa bàn hoạt động thuận tiện cho chúng chứ không phải bạ đâu làm đấy.
Ngoài yếu tố phải có một nhánh cây chắc chắn có độ nghiêng đạt yêu cầu, trước hết nơi làm tổ thường là những vạt đất cao ráo, nhưng phải gần mép nước (thường là mé lung hoặc bờ kênh) không có cây cối um tùm làm cản trở đường bay của đàn và xung quanh khu vực phải có nhiều cây tràm xanh tốt để chúng lấy mật.
Lợi dụng sự “khó tính” của ong mật, người gác kèo ong (mà dân gian còn gọi là người “khạo rừng”) tìm nơi thích hợp trong rừng tràm làm những cây xiên cho chúng đến làm tổ. Chính vì nhánh cây gác xiên xiên tương tựa chiếc kèo trên mái nhà nên nó được gọi là cây “kèo” (trong nghề gọi là “tấm kèo”) và nghề tạo nơi cho ong làm tổ để lấy mật được gọi là nghề “gác kèo ong”.

Chỉ có hai loại cây dùng để làm ra những tấm kèo là tràm và nhum, nhưng thường thì người ta thích dùng cây nhum hơn vì đây là thứ gỗ tốt, chắc, để ngoài mưa nắng lâu mục hơn tràm. Sau khi tìm được nơi vừa ý và gác kèo xong, dân khạo rừng còn phải tiến hành truy lùng và triệt phá hết tổ của các loại ong dữ như ong vò vẽ, ong lỗ xung quanh. Bởi vì những loại ong này chuyên tấn công và ăn thịt ong mật. Nếu có chúng thì ong mật sẽ không bao giờ đến làm tổ.

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, người khạo rừng chỉ việc xoá hết dấu vết để tránh sự dòm ngó của người khác, không phải vì sợ bị trộm mà là sợ bị làm động thì ong sẽ không đến “ốp” (làm tổ). Đối với những người khạo rừng dày dạn kinh nghiệm thì họ đạt đến trình độ chỉ cần gác xong kèo là có thể đoán trước được khi nào ong đến ốp và thời gian nào thì có thể quay lại kèo để “ăn ong” (thu hoạch).


Xưa kia, vào thời kỳ Pháp thuộc, rừng U Minh còn mênh mông, mỗi người khạo rừng có thể gác một mùa chừng 100-300 tấm kèo và thu hoạch khoảng 2.000-3.000 lít mật. Đó là chưa kễ đến nguồn lợi thu được từ sáp ong.

Mật ong ở rừng U Minh có mùi thơm bông tràm rất đặc trưng do chúng lấy mật chủ yếu từ hoa của loài cây này. Ở một số vạt rừng ngập mặn ven biển thuộc vùng Miệt Thứcủa Kiên Giang, người ta từng biết đến một thứ mật ong không thể nào sử dụng được do có vị rất đắng. Nguyên nhân là ong đã hút mật từ hoa của cây giá, một loài cây sống phổ biến ở loại hình rừng này và có chất độc đối với con người.

Đã có rất nhiều câu chuyện xung quanh loài ong mật ở rừng U Minh, nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện người bị ong chích (đốt), trong đó có không ít nhà quay phim, nhà nhiếp ảnh, nhà báo và một số du khách đã chụp ảnh tổ ong mà không hiểu đặc tính của chúng. Những người bị ong mật chích thường thì về bị sưng đau, sốt đến bỏ cơm.
Thật ra muốn chụp ảnh, quay phim tổ ong không khó, chỉ cần bạn tắt hết tất cả chế độ điều khiển tự động của máy, nhất là chế độ tự động lấy nét là có thể chụp, ngắm thỏa thích, vì tia sóng từ máy phát ra để định vị khoảng cách tự động là một thứ kích thích loài ong rất mạnh.
Nếu muốn chắc ăn hơn, bạn có thể từ từ đến ngồi ngay dưới tổ ong để chụp mà chẳng việc gì xãy ra. Đó là do khi con ong rời khỏi tổ, nó sẽ bay lên và bay ra xa chứ không bao giờ bay xuống ngay bên dưới tổ của chúng. Đây có thể là một số kinh nghiệm quý giúp bạn tránh “tai nạn” đáng tiếc khi đi du lịch U Minh Thượng mà muốn ghi lại hình ảnh của tổ ong.

Ngày nay rừng U Minh đã bị thu hẹp, hơn nữa, công tác bảo vệ rừng ngày càng nghiêm ngặt, nghề gác kèo ong trong rừng tự nhiên đã bị cấm tuyệt đối, cho nên bạn sẽ không còn được chứng kiến người khạo rừng gác kèo ong như thế nào. Tuy nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể đến những khu rừng tràm trồng mới của các hộ dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang xem cách người dân ở đây “ăn ong” như thế nào.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Hòn Phụ Tử

Từ cửa Chùa Hang du khách đứng trên những tảng đá hoặc ra bãi biển ngắm nhìn Hòn Phụ Tử cách đó chừng 500 mét – từ lâu đã trở thành biểu tượng cảnh đẹp cho ngành du lịch Kiên Giang.

Từ Chùa Hang có thể ra thăm Hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn lớn cao chừng 33,6 mét được hình dung là cha và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9 mét là con. Hai khối đá nối với nhau bằng một bệ đá cao hơn mặt nước biển khoảng 5 mét.

Hai bên Hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Nhìn ra xa hơn là đảo xanh nhấp nhô trên biển bạc bao la ngút tận chân trời. Núi Phụ Tử và Chùa Hang tạo thành eo biển nhỏ ghe tàu đi lại dễ dàng để vào neo đậu. Nước biển trong xanh ngăn ngắt không thua kém vẻ đẹp biển miền Trung. Phong cảnh trời biển thật bao la hùng vĩ.
Thiên nhiên khéo tạo cho Kiên Giang một cảnh quan kỳ thú, chẳng vậy mà có người ví phong cảnh Hòn Chông là “Vịnh Hạ Long của Phương Nam”. Chắc hẳn du khách đến đây sẽ không thể quên được cảnh đẹp non nước hữu tình. Hòn Phụ Tử đẹp và hấp dẫn hơn bởi vì nó còn gắn liền với nhiều truyền thuyết mang tính nhân văn, có truyền thuyết rất đẹp và xúc động về tình cha con... Sự kiện Hòn Phụ bị đổ ngày 9.8.2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh Quốc gia nổi tiếng ở phương Nam, làm cho chúng ta không khỏi nuối tiếc.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Kiên Giang




Kiên Giang tiên khởi là vùng đất hoang vu của phủ Sài Mạt thuộc đất Chân Lạp do Mạc Cửu, vốn là người di cư đến từ Quảng Đông bên Tàu sau khi Minh triều bị tiêu diệt hoàn toàn năm 1645. Ông có công mở mang , khai phá và phát triển buôn bán làm cho vùng đất này trở thành trù phú hơn vào khoảng cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18.



Vua Chân Lạp đã phong cho Mạc Cửu chức Oknha (Ốc nha) để cai quản vùng đất này. Tuy nhiên, vì quân Xiêm La thường xuyên sang quấy phá mà Chân Lạp không đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ nên năm 1708 Mạc Cửu đã thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa Minh) để được bảo hộ và vẫn được giữ nguyên các chức vụ.

Từ đó vùng đất này thuộc về lãnh thổ Việt Nam và có tên gọi là Hà Tiên. Sau này, con ông là Mạc Thiên Tích đã mở rộng thêm vùng đất này. Đến đời vua Minh Mạng, Hà Tiên là một trong 6 tỉnh vùng Nam Bộ.
Nguồn: Internet

Vọp nướng chấm muối tiêu

Món ăn này vừa mang hương vị đặc biệt, vừa mang niềm vui bất tận cho khách tứ phương.

Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm. Lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, sắp vào đĩa. Gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Ðặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Khi tiệc đến lúc nào hứng thì món vọp nước sẽ làm cho rôm rả hết ý! Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Ðể lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Hòn Khoai

Hòn Khoai cách mũi Cà Mau mảnh đất tận cùng của nước ta - gần 50 cây số. Nếu đi tàu 90CV từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai - một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của tổ quốc.

Thật ra địa danh Hòn Khoai không chỉ có một đảo; trái lại, ngoài hòn Khoai là đảo lớn nhất, còn có thêm 5 hòn đảo xinh xắn khác vây xung quanh.

Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn.


Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây, vào những năm 40, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phạm Ngọc Hiển đã lãnh đạo một nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy đến tận ngày nay. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phạm Ngọc Hiển (sau này tỉnh Minh Hải đã đặt tên Ngọc Hiển cho huyện Năm Căn trước đây).

Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Lịch sử hình thành tỉnh Cà Mau






Cà Mau là tỉnh được khai khẩn muộn màng so với các tỉnh trong khu vực. Đến đầu thế kỷ XVII, vùng đất Cà Mau dân cư vẫn thưa thớt, đất đai còn hoang vu. Ngày nay Cà Mau là tỉnh phát triển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.






Quá trình khẩn hoang đất Cà Mau Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn”.






Cuối thế kỷ XVII, Mạc Cửu là tướng của nhà Minh (Trung Quốc) chạy nạn bởi triều đình Mãn Thanh đã dẫn một số người Trung Hoa đến vùng Hà Tiên sinh sống. Sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ phần đất này thần phục nhà Nguyễn, Mạc Thiên Tứ con của Mạc Cửu đã vâng lệnh triều đình chúa Nguyễn lập ra đạo Long Xuyên (ở vùng đất Cà Mau ngày nay), tố chức mang tính chất quân sự.
Đến Gia Long thứ 7 (1808), đạo Long Xuyên được đổi ra huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên (lúc đó đất Nam Bộ có 3 dinh: dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ và một trấn Hà Tiên). Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị. Cùng với sự phát triển của lịch sử, Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh (lục tỉnh Nam Kỳ): Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.



Riêng tỉnh Hà Tiên có 3 phủ, 7 huyện, Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên, phủ An Biên (Hà Tiên), tỉnh Hà Tiên. 2- Sự thành lập tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử Để ổn định về hành chính trong việc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Pháp chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh. Ngày 18/2/1882, một phần đất Bạc Liêu thuộc tỉnh Sóc Trăng, một phần đất Cà Mau thuộc Rạch Giá được hợp thành tỉnh Bạc Liêu. Ngày 9/3/1956, theo Sắc lệnh 32/VN, chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau, quận Quảng Xuyên và 4 xã của quận Giá Rai: Định Thành, Hoà Thành, Tân thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau. Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 143/VN đổi tên tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam.


Hai tỉnh Cà Mau (An Xuyên) và Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. Tỉnh Minh Hải có thị xã Cà Mau, thị xã Minh Hải và 7 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Gía Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển. Ngày 11/7/1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành. Các xã của huyện này được nhập vào các huyện Giá Rai, Trần Văn Thời và Thới Bình. Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới: Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Số huyện trong tỉnh tăng lên 12 huyện.


Ngày 30/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 94-HĐBT giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước, tỉnh còn lại 2 thị xã và 11 huyện. 17/5/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 75-HĐBT đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu. Hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lấy tên là huyện Hồng Dân. Hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước.



Ngày 17- 18/12/1984, với hai quyết định của Hội đồng Bộ trưởng đổi tên huyện Năm Căn (cũ) thành huyện Ngọc Hiển (mới). Đổi tên huyện Ngọc Hiển (cũ) thành huyện Đầm Dơi (mới). Chuyển tỉnh lỵ Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Thời điểm này tỉnh Minh Hải có 2 thị xã (thị xã Cà Mau, thị xã Bạc Liêu) và 9 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997.


Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.211 km2, dân số 1.133.747 người, gồm một thị xã (Cà Mau) và 6 huyện (Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển). Ngày 14/4/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 21 thành lập thành phố Cà Mau trực thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngày 17/11/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 138 thành lập huyện Năm Căn và Phú Tân trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ngọc Hiển và huyện Cái Nước. Cà Mau là vùng đất mới khai phá nên còn nhiều tiềm năng: tiềm năng của biển, của rừng, của đất.

Con người Cà Mau hào hiệp, nghĩa khí như Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu tại đại hội Đảng bộ tỉnh Minh Hải tháng 7/1983: “Là một tỉnh có rất nhiều bè bạn. Mảnh đất hào hiệp và phóng khoáng này đã tiếp hàng vạn người phiêu bạt đi tìm cuộc sống trước đây. Trong hai cuộc kháng chiến, hàng vạn người khắp nước đã về đây chiến đấu và ngã xuống tại đây, để lại đây biết bao là kỷ niệm”. (A.U).
Nguồn: www.camau.gov.vn

Ba khía Bạc Liêu!

Hồi trước tết, qua giới thiệu của một người quen, một gã nhà báo chuyên viết về ẩm thực ở Sài Gòn đến tìm tôi xin trú ngụ trong thời gian về Bạc Liêu săn lùng món ăn ngon. Nghe nói gã cũng là một cây bút khá.

Gã khoảng hơn 30 tuổi, mới tới đã làm tôi sốc. Từ bến xe, gã điện thoại: “Ông ra chở tôi về coi”. Quần áo gã lượm thượm, vẻ mặt ngơ ngơ ngáo ngáo. Gã đi tỉnh công tác mà như đi Tây mang theo đến ba cái túi xách tổ bố, đựng nào gia vị thức ăn, trà rượu… mà sau này gã kể là hàng độc. Gã thản nhiên: “Ông xách giùm tôi hai cái túi xách nhé!”.

Tôi sùng trong bụng, nhưng nể tình người bạn giới thiệu đành xếp chỗ ngủ cho gã, kêu vợ làm món ăn ngon đãi cơm. Vào mâm cơm, gã lại gây sốc: lừ mắt nhìn rất lâu từng món ăn, gắp một đũa thức ăn cho vào miệng không nhai mà định thần, vểnh tai như lắng nghe mùi vị. Suốt bữa ăn, gã hoàn toàn không nói một câu xã giao mà rặt một thứ hỏi và nói về thức ăn. Tôi lẩm bẩm: “Chẳng lẽ thằng này viết về thức ăn đến đỗi nhập tâm, đến đỗi cà tửng như thế sao?”.

Gã hỏi tôi: “Nghe nói ông suốt đời quanh quẩn ở Bạc Liêu, chắc là rành về món ăn Bạc Liêu”. Tôi cười khẩy: “Cả đời tui nghèo có cái bỏ vào mồm là phước đức ông bà để lại rồi, chứ cao lương mỹ vị ở đâu mà biết món ngon vật lạ”. Gã dạy đời: “Tại mình không biết chế biến đó thôi chứ vùng Bạc Liêu đặc sản nhiều lắm, tiềm lực về món ngon là phong phú vô cùng. Biển Bạc Liêu ba khía nhiều lắm, hôm nào ông mua ba khía về tôi làm gỏi, ông ăn ông sẽ sáng mắt”.

Tôi lầm thầm trong bụng: cả đời “ông” vì nghèo nên “ông” toàn ăn đặc sản, ăn đến mòn răng, ăn từ thời nó chưa là đặc sản mà còn là món ăn của người bình dân. Cả đời ăn đặc sản Bạc Liêu “ông” chỉ biết mắm ba khía, hay gần đây không có mồi nhậu mấy tay bợm rượu luộc ba khía làm mồi ăn lãng xẹt chớ ngon gì đâu. “Ông” chưa bao giờ nghe nói món gỏi ba khía. Thằng này láo toét, được rồi... Chiều tôi đi mua theo “toa” của nó gồm: 1kg ba khía, 1kg khế già, một ít ngò gai, lá quế… vị chi là 12 ngàn đồng.
Tôi còn tranh thủ rủ em út bạn bè đến nhậu món “gỏi ba khía” để lột mặt nạ thằng này cho đông vui.Nó kêu vợ con tôi mang gia vị mà nó cần rồi bảo: “Để đó lên nhà trên chơi đi, đừng có đụng vào thứ gì của tôi”. Tôi len lén nhìn nó khoan thai xắt xắt xào xào thần thái mơ màng như kẻ mộng du. Một giờ sau, nó bảo: “Xong rồi, mời tất cả nhập tiệc”.

Trên bàn, hai dĩa gỏi được trình bày khá bắt mắt, xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng điểm những cái hoa ớt. Tôi gắp bỏ vào miệng một miếng to rồi giật mình. Ngọt thì thật là ngọt, chua thì thật là chua, thơm thì thật là thơm, cay thì thật là cay, béo thì thật là béo, tổng lại ngon thì ngon đến vô cùng. Tôi há hốc mồm thảng thốt, rồi nhìn mấy gã bạn, thằng nào cũng đỏ mặt tía tai ngạc nhiên nhìn nhau rồi đồng thanh: ôi sao nó ngon thế này!Con này là con ba khía đầy ở biển Bạc Liêu đó ư? Không! Nó là “nem công chả phụng” chứ ba khía gì mà ngon đến như thế.

Sau đó, T. còn làm mấy món ngon đãi gia đình tôi nữa rồi mới khăn áo về Sài Gòn. Vợ con tôi luyến tiếc: “Chú T. ở lại ít hôm dạy nấu ăn nhé”.Tôi đưa T. lên xe, dúi cho nó một ít quà quê trong cử chỉ tẽn tò của một kẻ vừa được dạy cho một bài học. Tôi đã sáng mắt ngộ ra cái vai trò quan trọng của văn hoá ẩm thực trong đời chúng ta. Nó thật mầu nhiệm, nó biến những món tầm thường quanh ta thành cao lương mỹ vị, làm sung sướng thêm đời sống con người.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Sân Chim



Trong số khách du lịch quốc tế đến nước ta, nhiều người đã đến thăm sân chim tại tỉnh Minh Hải.



Trên thế giới người ta rất quan tâm đến hiện tượng nhiều loại chim sống tụ tập trên một diện tích có nguồn thức ăn dồi dào. Ấn Độ có sân chim lớn, hàng trăm loài chim sống quần tụ. Khách du lịch vào thăm sân chim phải trả 25 đôla, nếu mang theo máy ảnh chụp ảnh chim phải trả thêm 5 đôla.

Tỉnh Minh Hải nước ta có tới 80 loài chim, hàng chục vạn con sống tụ tập trên những khoảng đất giữa những kênh rạch chằng chịt, những rừng tràm, rừng đước rậm rạp, mát mẻ. Minh Hải có tới 7 sân chim: Ngọc Hiển, Cái Nước, Vinh Lợi, U Minh, Trần Văn Thời, Giarai, Hồng Dân.





Các chuyên gia trong các tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế (ICBP) khi đến thăm các sân chim ở Minh Hải vừa ngạc nhiên vừa thích thú tước cảnh tượng hấp dẫn, lạ mắt trên sân chim: con bay, con đậu trên cành, con lò dò dưới đất, với những bộ lông cánh muôn màu sắc. Đi trên sân chim, du khách phải cẩn thận để khỏi dẫm phải trứng chim nằm rải rác, mà mới nhìn tưởng là những hòn sỏi to, nhỏ khác nhau.


Các chuyên gia đã nhận định: nguồn tài nguyên thiên nhiên về chim và động vật hoang dã Việt Nam rất phong phú và quý giá, vì ở đây còn giữ được những loài chim mà thế giới không nơi nào còn.



Sân chim Minh Hải là điểm du lịch tuyệt vời. Du khách từ các miền xa xôi đến nước ta, được may mắn "lạc vào thế giới chim" Minh Hải sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Nguồn: Diemcuoituan.com

Lịch Sử - Văn Hoá Tỉnh Bạc Liêu



Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899 do tách từ tỉnh Hà Tiên ra, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quản Xuyên, Quản Long, Quản An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chia tỉnh Bạc Liêu thành 2 tỉnh là Bạc Liêu và An Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu nhỏ này gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 19 xã, 218 ấp, dân số năm 1965 là 76.630 người. Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên lại hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.



Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự.


Bởi thế, nhiều người tới thị xã Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận cùng của đất nước lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.

Vịt nấu chao đường Lý Tự Trọng

Vào các trang web lữ hành và các forum tư vấn du lịch, hẻm 1 và hẻm “Tỉnh Đoàn” đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được du khách ví von là các “hẻm vịt nấu chao” và xem đây là một trong những món ăn đặc sản mang phong vị riêng của đất Tây Đô.
Hẻm 1 và hẻm “Tỉnh Đoàn” đường Lý Tự Trọng có khá nhiều quán ăn, quán nào cũng bán nhiều món ăn. Nhưng món chính làm nên “tên tuổi” của hẻm trong giới ẩm thực chính là lẩu vịt nấu chao. Chiều nào cũng vậy, khách ta chen lẫn khách Tây ngồi quây quần bên nồi lẩu bốc khói thưởng thức hương vị độc đáo của món ăn. Với 60.000-70.000 đồng, nhóm ba đến bốn người sẽ có một lẩu vịt nấu chao chẳng những ngon miệng mà còn no lòng.

Nước lẩu vừa có vị cay nồng của chao trắng, chao đỏ, hòa với sự ngọt dịu của nước dừa, nước hầm xương. Thịt vịt đã được ướp, xào cùng hành tím, tỏi; ninh kỹ từ trước, nên khi múc ra cho vào lẩu thì cũng vừa mềm. Khoai môn được chiên vàng trước khi cho vào lẩu, nên ngọt, bùi mà vẫn không nát. Trong lẩu còn nổi lên những tai nấm rơm nhỏ bằng đầu ngón tay làm vị ngọt của nước lẩu thêm đậm đà. Rau muống, cần nước, cải xanh, mồng tơi... tươi xanh được dọn kèm để khách ăn đến đâu thì nhúng đến đó nhằm giữ nguyên vị giòn ngọt. Ăn kèm với lẩu vịt nấu chao còn có bún, mì tươi hoặc bánh mì và nước chấm là một chén chao trắng nguyên chất. Tất cả những nguyên liệu trên làm nên sự tổng hòa của màu sắc, gia vị, thịt, rau củ... cho một món ăn ngon, bổ dưỡng.

Gần đây, một vài quán ăn tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cũng phục vụ vịt nấu chao. Thế nhưng, thưởng thức vịt nấu chao tại Cần Thơ vẫn hấp dẫn hơn, vì thưởng thức món ăn giữa không khí mát mẻ và nhịp sống thư thái mỗi buổi chiều trên đất Tây Đô.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Du lịch “bụi” chợ nổi Cái Răng

Vào những ngày cuối năm, lượng khách tham gia tua chợ nổi Cái Răng đã tăng vọt. Đây là một chợ nổi điển hình của Cần Thơ, chỉ cách trung tâm TP Cần Thơ 5 km, du khách có thể đi về thuận tiện bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Không đi theo tour, muốn tham quan chợ nổi Cái Răng bằng đường thủy, sáng sớm, bạn đến Bến tàu Du lịch ở Bến Ninh Kiều để thuê tàu. Giá một chuyến đi - về khoảng 150.000-180.000 đồng (tùy theo tài trả giá của bạn). Tàu rời bến, giữa ban mai trong lành, bạn sẽ được ngắm bình minh đang lên trên sông Cần Thơ và tận hưởng làn gió mát rượi buổi sớm, mang hơi hướng của sương mù, phù sa và dường như có cả “cái hồn” châu thổ. Cảnh sinh hoạt của người dân ở hai bên bờ sông diễn ra như một đoạn phim tư liệu chạy ngược hướng với bạn thật phong phú và lạ lẫm, nhưng lại tạo cảm giác rất yên bình.

Nếu lỡ thức dậy muộn, bạn có thể từ trung tâm TP Cần Thơ đến Cái Răng bằng đường bộ, chỉ mất khoảng 15-20 phút với đủ loại phương tiện. Đi xe buýt khoảng 3.000 đồng/người, xe ôm thì 10.000 đồng/người và một chuyến taxi khoảng 50.000 đồng. Đến Cái Răng, bạn đi bộ một chút, quẹo vào đường Võ Tánh nằm bên phải cầu Cái Răng (tính từ trung tâm thành phố ra). Đây là nơi tập trung các loại ghe, xuồng cho thuê đi chợ nổi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/ giờ tùy theo ghe máy hay ghe chèo.

Chợ họp đông nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Hàng trăm ghe, thuyền lớn bé đậu san sát nhau để tham gia chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh... có cả xe gắn máy đậu trên ghe như chứng tỏ “đẳng cấp” của người chủ.


Âm thanh chợ nổi bao gồm tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Không ồn ào như chợ truyền thống, người buôn bán ở chợ nổi thường không rao hàng bởi những sản vật đã được “bẹo” trên cây cắm ở mũi mỗi chiếc ghe, xuồng cho biết thuyền chủ nhân đang bán mặt hàng gì. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn sáng, cà phê thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu của người thương hồ, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em. Ở chợ nổi, có đủ dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu, đến những hàng bách hóa như quần áo, hóa mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo... Các xuồng dịch vụ thường nhỏ gọn, len lỏi rất thiện nghệ, áp mạn ghe bán hàng, thu tiền. Muốn biết cảm giác ăn sáng trên sông nước rập rờn, bạn chỉ tốn khoảng 5.000 - 6.000 đồng cho một tô phở hoặc hủ tiếu, chỉ 2.000 đồng/ món đồ uống - tuy không ngon lắm, nhưng thú vị.

Đi một vòng chợ Cái Răng để mua một số nông sản và thưởng thức các món ăn dân dã là một nét thú vị trong chuyến du lịch “bụi” khám phá chợ nổi Cái Răng với thời gian từ 3-4 giờ.

Theo Trung tâm Điều hành Du lịch Cần Thơ, giá tour từ bến Ninh Kiều tham quan chợ nổi Cái Răng và ghé một điểm vườn du lịch trong thời gian 3 giờ đồng hồ từ 190.000 - 200.000 đồng, tùy theo lượng khách. Tour có bán tại Bến tàu Du lịch (bến Ninh Kiều).
Nguồn: Diemcuoituan.com

Cần Thơ


Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số là 1.112.121 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 người của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn Ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh.


Cần Thơ được biết đến như là "Tây Đô" (thủ đô của miền Tây) của một thời rất xa. Cần Thơ nổi danh với những địa điểm như bến Ninh Kiều,
phà
Cần Thơ... Hiện nay, dự án cầu Cần Thơ đang được xúc tiến triển khai, hứa hẹn một tương lai phát triển hơn cho miền đồng bằng trù phú này.

Sau hơn 120 năm phát triển, thành phố đang là trung tâm quan trọng nhất của
vùng đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.

Hủ tiếu Mỹ Tho - Tỉnh Tiền Giang

Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở chỗ không ăn với xà lách, giấm, rau ghém, mà dùng giá sống, chanh, ớt, nước tương. Ðiều làm nên hương vị riêng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng và nhiều người "bén mùi" kể từ thập niên sáu mươi nhờ sự hoàn thiện từ khâu chọn hột gạo làm ra cọng bánh tới nồi nước lèo cùng tuyệt kỹ pha chế của các đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho như: Phánh Ký, Nam Sơn, Tuyền Ký... cùng các lớp thợ nấu sau này.

Nhiều người cho biết, hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm chợ Ðào). Ðây là vùng trồng lúa thơm địa phương của xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho. Cũng cần nói thêm, gạo Gò Cát làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nức tiếng ở Mỹ Tho hơn 40 năm nay. Nhưng hủ tiếu ngon phải là bánh khô, khi nấu trụng sơ nước sôi, tươm mỡ hành phi, cọng trong bóng, bắt mắt.

Hồi trước hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày trên mặt, trông ngon mắt. Giờ để giá thành hợp túi tiền của số đông, người ta thay bằng sườn, cặp trứng cút .

Ngón gia truyền không ai chịu hé răng. Hơn kém nhau còn tuỳ thuộc vào nồi nước lèo. Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng, được các đầu bếp gia giảm theo khẩu vị khách hàng của mình. Mỗi lần mở nồi hầm chan bánh, hương thơm ngào ngạt mời gọi khách làm nhiều người qua đường cầm lòng không đậu. Vì vậy, dù hàng quán khu vực Cầu Quay - Mỹ Tho tuềnh toàng, thực khách vẫn cứ nườm nượp. Thậm chí, trong cẩm nang của nhiều hãng du lịch lữ hành quốc tế giới thiệu hẳn tên những hiệu ăn nổi tiếng của nơi đây.

Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đặc sản đậm đà tính dân tộc luôn gợi nhớ đối với những ai đã từng tri âm tri kỷ với đất Mỹ Tho. Thật hiếm có món ăn nào làm theo cách thức của người dân Nam bộ lại vừa miệng cả giới Tây, Tàu.
Nguồn: Diemcuoituan.com

Trại rắn Đồng Tâm - Điểm du lịch độc đáo ở Tiền Giang

Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 9km, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu 9, hay gọi là Trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành - Tiền Giang) từ lâu đã hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tiền thân là Xí nghiệp 408 (trại rắn Đồng Tâm), đến năm 1988 được nâng cấp lên thành Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Gần 30 năm qua, hoạt động của Trung tâm đạt nhiều thành quả trong việc phục vụ cho nhân dân và quốc phòng. Ông Nguyễn Quang Khải - Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, phấn khởi cho biết: Bình quân mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hơn 500 ca bị rắn độc cắn, nhưng đáng mừng là nhiều năm nay không có trường hợp nào tử vong. Năm 2005, Trung tâm nuôi trồng, chế biến dược liệu Quân khu 9 được nhà nước và các bộ, ngành đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng khoa cấp cứu rắn độc, nhà xưởng và các trang thiết bị máy móc để phục vụ tốt hơn nhu cầu điều trị bệnh cho nhân dân. Từ tháng 3/2006, các bệnh nhân đến đây được khám và nằm viện miễn phí với mỗi ca giảm khoảng 200 ngàn đồng.

Hiện nay, Trung tâm có thể cứu sống những người bị rắn độc cắn chỉ còn thoi thóp, nếu đem đến Trung tâm kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn đi nhờ các thầy lang điều trị, vừa không khỏi bệnh vừa tốn kém, đến khi đem đến Trung tâm thì những chỗ bị rắn cắn đã hoại tử, phải mất nhiều thời gian mới chữa khỏi. Từ thực trạng đó, Trung tâm đã kết hợp với các trạm y tế địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân kiến thức về cách phòng ngừa rắn độc, cũng như sơ cấp cứu ban đầu trước khi đem đến bệnh viện gần nhất.


Không những là nơi điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn mà trại rắn Đồng Tâm còn là điểm tham quan độc đáo, nằm trong tour du lịch Mỹ Tho - cù lao Thới Sơn - trại rắn Đồng Tâm. Tại đây, du khách tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn gáo,...), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm,...), những loài động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu...

Hiện mỗi năm có khoảng 30 - 40 ngàn du khách quốc tế và trong nước đến tham quan nơi đây. Để ngày càng thu hút khách du lịch, Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang đang phối hợp cùng trại rắn Đồng Tâm đầu tư nâng cấp toàn khu trại rắn, trồng cây xanh, bổ sung nhiều con thú quí hiếm khác... Dự kiến, khi hoàn thành mỗi năm trại rắn sẽ đón khoảng 10- 15 ngàn lượt du khách đến tham quan.
Nguồn: Diemcuoituan.com