Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Du lịch Đồng Tháp





Không có núi non như tỉnh An Giang; không có biển rộng như tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh; không có chợ nổi như Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang...
Nhưng đến Ðồng Tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, ruộng lúa phì nhiêu, cây trái ngọt lành, rừng tràm xanh ngút ngàn mát mắt và những di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn của Nam Bộ.

Thiên nhiên hào phóng, hệ sinh thái ngập nước dâng tặng con người biết bao tài nguyên quý gắn liền với môi sinh, môi trường mà Vườn quốc gia Tràm Chim, nằm trên địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, là địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Ðây là mô hình thu nhỏ cảnh quan của vùng Ðồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm cần được thế giới bảo vệ.

Rừng ngập nước đã dâng tặng và tạo điều kiện để nơi đây xây dựng một trung tâm bảo vệ chim hạc, còn gọi là sếu đầu đỏ cổ trụi, có giá trị kinh tế - khoa học và là địa điểm du lịch sinh thái lý thú.

Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.313 ha, bao gồm năm xã, thị trấn của huyện Tam Nông. Ðây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Ðồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 230 loài chim nước, trên 100 loài cá nước ngọt, hơn 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác...
vietbalo - đồng tháp
Trong đó, có 32 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: Ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, già đãi, giang sen, diệc, trích, rồng rộc vàng... Ðặc biệt là loài sếu (hồng hạc) đầu đỏ, cổ trụi - những loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ...

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Tràm Chim còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000 ha tràm và gần 1.000 ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn... Ðây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống...

Vườn quốc gia Tràm Chim còn đạt được bảy trong chín tiêu chuẩn của công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Ðây cũng là một trong tám vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam. Sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Ðông Dương!

Ðến Vườn quốc gia Tràm Chim du khách có thể du ngoạn bằng xuồng tới các đài quan sát, đầm sen, đầm súng, đồng năn, lúa trời, rừng tràm xanh mát mắt... và sẽ nghe tiếng chim hót trước bình minh. Tiếng quẫy đuôi đớp mồi của nhiều loại cá, cùng thưởng thức mùi hương đồng, cỏ nội bát ngát làm ngây ngất lòng khách lãng du...

Xuôi theo tuyến quốc lộ 30 đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh rồi từ đây vào kênh Hội đồng Tường rẽ vào con rạch ngoằn ngoèo, khách tham quan khu địa danh lịch sử sáng ngời truyền thống cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Ðó là "căn cứ địa nhân tâm" Xẻo Quýt.
vietbalo - đồng tháp
Khu rừng xanh mát mắt, hào phóng, những luồng gió mát trong lành, nằm gọn giữa khu đất trũng có nhiều cây tràm, gáo, đưng, sậy, sen, súng và dây leo bòng bong mang đặc trưng của Ðồng Tháp Mười.

Xẻo Quýt có cả hệ thống các di tích được bảo tồn và phục chế như: công sự chiến đấu và tránh bom đạn pháo, hàng rào mìn, chống bảo vệ các đường hầm bí mật, khu văn thứ, khu điện đài của Tỉnh ủy Kiến Phong đã bền bỉ lãnh đạo lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương anh dũng đánh giặc suốt từ năm 1960 đến ngày giải phóng miền nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Ðường thủy từ xã Mỹ Hiệp đến căn cứ Xẻo Quýt chỉ chừng bảy cây số ngồi trên tắc ráng, khách có dịp thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình với nhiều vườn xoài, mận, táo, ổi, sơ-ri... trĩu quả nằm dọc hai bên bờ kênh...

Cạnh bên Xẻo Quýt là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng! Nơi đây, có gần 2.000 ha rừng tràm và một quần thể 40 ha tập trung hơn 15 loài chim muông quý hiếm sinh sống, làm tổ và đẻ trứng; cùng với nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng...

Du khách đến Gáo Giồng vào mùa nước nổi phù sa lắng đọng bởi lúa, cỏ hòa lẫn chất phèn, nước trong veo... nhìn rõ từng loại cá... bơi lội; lấy trứng kiến vàng làm mồi câu, rồi nhổ bông súng, hái bông điên điển... nấu canh chua ăn. Riêng dân nhậu, đến Gáo Giồng vào mùa lũ, nước lên ngập hết ruộng đồng, chuột, rắn không chỗ ẩn cư dồn hết lên gò... tha hồ mà bắt. Ðến khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng du khách sẽ được thưởng ngoạn không khí trong lành, sự yên tĩnh thoải mái của vùng quê... Rồi tìm tới khu sân chim, vườn cò để nghe tiếng hót véo von, lảnh lót... Hoặc lên trên các chòi, tháp cao hơn 20m để nhìn toàn cảnh Gáo Giồng, một góc Ðồng Tháp Mười bát ngát, mênh mông.
vietbalo - đồng tháp
Nếu rảnh, du khách tiêu khiển với việc câu cá giữa đồng năn và thưởng thức các món ăn đặc trưng của "đất rừng phương Nam" như: mắm kho bông súng, cá rô đồng kho tộ, cá gói lá sen nướng, cá hấp lá duối, chuột đồng quay lu, chuột đồng luộc cơm mẻ, rắn hầm tỏi, lẩu lươn... rồi nhấm nháp ly rượu mật ong tinh khiết để lắng lòng nghe mùi mẫn câu vọng cổ với loại hình đờn ca tài tử độc đáo.

Ðến tham quan khu di tích Gò Tháp có niên đại trên 1.500 năm, nằm trên lãnh địa huyện Tháp Mười, du khách hình dung như đến một ốc đảo xanh tươi, một viên ngọc bích giữa Ðồng Tháp Mười mênh mông.

Xuyên qua những tuyến kênh, rạch chằng chịt mang dấu vết của những dòng sông cổ, tủa đi các hướng... Diện tích Gò nối liền khoảng một cây số vuông. Gò Tháp tập trung đủ các loại di tích: đình, chùa, tháp, miếu... trên bề mặt và nhiều loại hình khảo cổ còn tiềm tàng trong lòng đất. Cực nam di tích là Gò Tháp Mười cao ngất, cách đó khoảng 100 mét về phía bắc là Tháp Cổ Tự hay Tháp Mười Cổ Tự.

Qua khỏi chùa, du khách đến Ðồn Trung (tức đại bản doanh) nằm khoảng giữa khu di tích. Mặt đồn bằng phẳng, dấu vết hào lũy còn in dấu rất rõ. Ðồn Trung cùng với Ðồn Tiền (Gò Bảy Liếp), Ðồn Tả (Gò Giồng Dung), Ðồn Hữu (Ðộng Cát) và các động ngoại vi ở Mộc Hóa, Cái Nửa, Doi Me... đã tạo thành căn cứ Ðồng Tháp Mười thời kháng chiến. Bằng lối đánh du kích, Thiên hộ Võ Duy Dương và Ðốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã làm giặc Pháp mất ăn, mất ngủ từ năm 1861 - 1866.

Hiện nay, ngôi mộ Ðốc binh Kiều vẫn còn, phía trước là đền thờ chung cho cả hai ông rất khang trang. Lần theo phía bắc là Miếu Bà Chúa Xứ, Gò Minh Sư - ngôi mộ bằng hợp chất ô đước, tương truyền là mộ Hoàng Cô - em gái vua Gia Long và hàng loạt tượng Phật, tượng thần bằng gỗ...

Về Ðồng Tháp, du khách còn nghe điệu hò Ðồng Tháp thật da diết, ngọt ngào trên những đồng sen bạt ngàn hay trên cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay và còn được xem nền văn hóa Óc Eo ở tả ngạn sông Tiền, thăm di tích kiến trúc cổ của chùa Kiến An Cung (chùa ông Quách), thăm Gò Quản Cung - Giồng Thị Ðam, Dinh Ðốc Binh Vàng thờ danh tướng Trần Văn Năng. Tiếp theo, du khách sẽ tham quan vườn cò Mỹ An, bãi tắm An Hòa và độc đáo là làng hoa kiểng Tân Quy Ðông - Sa Ðéc, nằm cạnh con đường vành đai, với bốn mùa bao phủ những thảm hoa rực rỡ mà lâu đời nhất là vườn Hồng Tư Tôn...

Thăm những làng nghề truyền thống như: chiếu Ðịnh Yên, làng đóng xuồng Rạch Bà Ðài, làng dệt khăn choàng tắm Long Thuận, làng nuôi cá bè Hồng Ngự... hay thưởng thức các món ăn đặc sản như: hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, bưởi Phong Hòa, nem Lai Vung, mận Hòa An, bánh phồng tôm Sa Giang, bánh pía Thùy Dương... để hiểu thêm con người và cuộc sống gắn bó rất lâu đời trên dải đất giàu - đẹp của Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lịch sử văn hóa Đồng Tháp



Là vùng đất trẻ mới khai phá khoảng thế kỷ XVII, XVIII dưới thời các triều Nguyễn, người Việt ở miền ngoài di cư vào mở hoang bờ cõi. Sự hình thành của vùng đất này gắn liền với lịch sử đấu tranh oai hùng chống chọi với thiên nhiên, thú dữ và giặc ngoại xâm. Quá trình đó bồi đắp nên những giá trị nhân văn qua nhiều thế hệ, hình thành những giá trị văn hoá truyền thống mang sắc thái riêng.

Các phong tục tập quán mang những nét tương đồng gắn liền với nền sản xuất thuần nông nghiệp. Chịu ảnh hưởng về tam nho giáo (nho, lão, phật) nên phần đông người dân Ðồng Tháp lấy đạo thờ cùng ông bà làm trọng. Việc tín ngưỡng dân gian đã thành phong tục tập quán của nhân dân, cúng đình, cúng miễu... đã thành hội truyền thống. Bên cạnh đó, các tôn giáo như: Phật Giáo, Cao Ðài, Tin Lành, Thiên Chúa, Hoà Hảo... với các thiết chế chùa chiền, nhà thờ, thánh thất và những lễ hội, tín ngưỡng đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của một bộ phận nhân dân.

Cuộc sống, sinh hoạt của người dân Ðồng Tháp đơn giản, dễ cơ động, phù hợp với miền đồng bằng sông nước. Văn hoá ăn, ở mang đặc thù riêng và phù hợp với môi trường, sinh thái tự nhiên. Vùng cao thì cất nhà trệt, vùng ngập lụt thì cất nhà sàn. Kiểu nhà truyền thống có các loại như: nọc ngựa; chữ dinh; bát dần, ở giữa gian nhà chính có bàn thờ tổ tiên, trước sân nhà có bàn thờ ông thiêng. Món ăn truyền thống có: canh chua cá đồng nấu với bông điên điển, bông súng, bông lục bình; mắm kho; chim nướng; chuột khìa; cá lóc nướng trui; rắn hầm nước dừa; rùa rang muối; cá linh nhúng dấm... đều là các món ăn đặc sản, đơn giản mà rất ngon. Mùa khan hiếm cũng không thiếu những thức ăn khô nổi tiếng như khô cá lóc; khô cá sặt rằn...

Xuồng là loại phương tiện đi lại rất phổ biến và tiền lợi của người dân Ðồng Tháp, cơ động và tiện lợi. Công cụ lao động thủ công dùng trong nông nghiệp có: cày, bừa, cuốc, len, liềm, hái, nọc cấy... , nhưng trong đó cần phải nói thêm về cái phảng dùng để phát hoang là một trong những công cụ lao động độc đáo. - Người Ðồng Tháp, tính cách chuộng sự phóng khoáng, thẳng thắn, bộc trực, không luồn cúi, coi trọng sáng kiến cá nhân; sinh hoạt đơn giản, ít chú ý đến hình thức bên ngoài, không cầu kỳ, ít lo xa, lao động cật lực, nhưng cũng ăn xài thoải mái. Bản chất người Ðồng Tháp giàu lòng nhân ái, thương người, mến khách, dễ gặp gỡ và dễ thân thiện.

Hoạt động văn hoá dân gian phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, với hàng trăm điệu lý, câu hò, thơ ca ca ngợi tình yêu cuộc sống, con người, đậm đà tính mộc mạc, bộc trực, dũng mãnh. - Trong di sản văn hoá truyền thống có nhiều giá trị di tích lịch sửï và danh lam thắng cảnh đang được gìn giữ, bảo tồn và từng bước khai thác đúng với vai trò và tầm cỡ của nó phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cả trong hiện tại và tương lai mãi mãi về sau.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Đến Lai Vung, Ngắm quýt hồng

“Nem Lai Vung vừa chua vừa ngọt
Quýt Lai Vung vỏ đỏ ruột hồng…”.




Ở Lai Vung, ngoài nem chua, thì còn có một đặc sản khác là quýt hồng. Vì thổ nhưỡng tốt cộng với dòng nước ngọt quanh năm của hai con sông Tiền và sông Hậu nên quýt hồng nơi đây cho trái rất to, võ ngoài vàng óng, nhiều nước, vị ngọt thanh tao và đặc biệt có mùi thơm rất đặc trưng.

Một điều đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, thì chỉ duy nhất mảnh đất Lai Vung là nơi trồng được quýt hồng to, đẹp và ngon ngọt.Vào vườn quýt hồng vào dịp cận tết, tất cả mọi người dường như bị cuốn hút, “ngây ngất” bởi vẽ ngoài vàng óng, lộng lẫy của những trái quýt chín vụ.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket


Photobucket

Photobucket


Photobucket


Photobucket


Photobucket


Clip hình ảnh về Quýt hồng Lai Vung

Diemthuy
Một số hình ảnh được lấy từ anhtuands’ Blog

Như lục bình trôi...

Nó và anh là đôi bạn cùng xóm. Hằng ngày anh vẫn thường chở nó đi học và hay chỉ bài cho nó (anh học hơn nó 2 lớp).
Nó thích nhất là hoa lục bình nên mỗi khi tan học, anh vẫn thường cùng nó ra bờ sông hái hoa lục bình. Cầm trên tay đóa lục bình tím ngát, nó cười hỏi:
Anh có thích hoa lục bình không?
Anh cười: Không thích.
Vì sao? Nó ngạc nhiên.
Vì anh thích thứ khác!
Anh thích gì?
Thích cô gái thích hoa lục bình.
Nó tròn xoe đôi mắt nhìn anh. Anh xoa đầu nó: Ngốc quá!
….
Ngày anh lên thành phố học, đưa anh ra bến sông, nó hỏi:
Bao giờ anh về?
Bốn năm, bé chờ anh về he!
Uhm, em chờ anh về đi hái hoa lục bình với em!
Và như lời đã hứa, anh trở về tìm nó để cùng đi hái hoa lục bình. Nhưng nó đâu rồi? Mọi người bảo, hai năm sau khi anh đi nó cũng theo chồng về xứ khác…
Anh bước thẩn thờ ra bờ sông, xa xa những khóm lục bình vẫn trổ những bông hoa tím ngát. Một nhánh lục bình trôi trên sông, anh nhìn theo, lòng thầm nghĩ: nhánh lục bình này trôi về đâu? về nơi bé đang ở? không biết nơi đó có hoa lục bình không, có ai hái hoa lục bình cho bé không?......


Diemthuy

HOA LỤC BÌNH

"Lục bình hoa tím lung linh
Đời theo con nước lênh đênh sớm chiều..."
Nếu ai đã một lần về miền Tây, hẳn không ai không nhớ đến hình ảnh một loài hoa tim tím, từng khóm, từng khóm trôi lơ lững theo con nước lớn ròng.

Hoa lục bình tuy không đài cái như thủy tiên, không kêu kỳ như hoa hồng và cũng không sang trọng như hoa lan, nhưng lục bình lại có một nét đẹp rất riêng, rất mộc mạc, rất chân quê. Nó làm cho bất cứ ai dù chỉ một lần nhìn thấy thì cũng không thể nào quên.


hoa lục bình


Nước lên, những khóm lục bình lênh đênh trôi theo những con nước. Những cánh hoa không ngần ngại khoe sắc tím nồng nàng trong nắng ấm. Có đôi khi chúng lại bị sóng tàu thuyền tách ra thành nhiều khóm nhỏ. Tuy vậy, lục bình vẫn âm thầm chịu đựng, chúng vẫn tiếp tục sinh sôi, và phát triển.

hoa lục bình


Một nhánh nhỏ lục bình bị sóng đánh, tấp vào bờ, trông xơ xác nhưng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn, nhánh lục bình nhỏ này đã phát triển thành những mãng lục bình to, chiếm giữ cả một khúc sông và đôi khi làm ắch tắc cả giao thông. Những khóm lục bình nỡ hoa làm tím ngát cả bờ sông.

bong lục bình


Một chiều, bơi xuồng trên sông, thả hồn theo những con nước, ngắm nhìn những cánh hoa tim tím, mỏng manh nhưng nhẹ nhàng và đầy lãng mạn. Trong lòng cảm thấy rất lạ, dường như cái cảm giác xô bồ, nhịp sống hối hả nơi đô thành đã biến mất và nhường chỗ cho một không gian thanh bình, nhẹ nhàng, và khoan khoái…

Hít một hơi thật sâu và tận hưởng không khí yên bình của một buổi chiều quê.

hoa luc binh mọc khắp bờ ruộng


hoa lục bình có màu tím điểm chút vàng trông rất thơ mộng


nhìn gần cánh hoa lục bình giống như đuôi chim công

Diemthuy